Nổi tiếng là quốc gia quy tụ nhiều nền văn hóa đa dạng, Singapore thu hút du khách và bạn bè quốc tế nhờ những trải nghiệm đa bản sắc. Nếu bạn là người mê mẩn những công trình kiến trúc gắn liền với lịch sử, văn hóa, mang dấu ấn thời gian qua nhiều giai đoạn, những tòa nhà cũ được trùng tu mới ngay trong lòng cảnh quan đô thị đảo quốc sẽ là điểm đến lý tưởng.
Những điểm tham quan này là nơi giao hòa giữa các công trình hiện đại, được xây dựng với những kiến trúc cổ xưa được bảo tồn như di sản. Trong đó, các tòa nhà trải qua trùng tu đến nay vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu, kết hợp thêm các chức năng tiện ích khác, giúp các thế hệ hiện tại lẫn tương lai có thể tìm hiểu và gắn kết hơn với bề dày lịch sử của đảo quốc.
Khánh thành ngày 1/1/1903, ga tàu này đã chứng kiến sự phát triển của toàn khu ga Bukit Timah từ một khu dân cư ngoại ô. Nơi đây cũng là chứng nhân lịch sử cho sự kiện Singapore tách khỏi Malaysia, trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Đến nay, Bukit Timah là ga tàu ngoại ô duy nhất còn tồn tại ở đảo quốc. Du khách có thể đắm mình vào dòng chảy lịch sử, thưởng thức không gian quán cà phê tọa lạc ngay bên trong khu nhân viên cũ; hoặc bạn cũng có thể khám phá khu di sản ngay bên cạnh. Nơi đây vẫn duy trì bố cục và các tính năng của tòa nhà, giới thiệu đến du khách những công năng cũ như một công trình nhà ở lâu đời, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử quan trọng.
Ga tàu cũ Bukit Timah hiện nay.
Hành lang đường sắt (Rail Corridor) vẫn hoạt động liên tục 24/7. Tuy nhiên, vì là hành lang sinh thái quan trọng, Rail Corridor không được lắp đặt bất cứ thiết bị đèn chiếu sáng nào vào ban đêm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống của động vật hoang dã về đêm. Đèn chỉ lắp tại một số điểm nhất định như các lối đi bộ thiết yếu, băng ghế dẫn vào dãy nhà vệ sinh công cộng, tòa nhà ga tàu Bukit Timah và khu vực dành cho nhân viên đường sắt.
Chuyển đến phố Upper Bukit Timah vào tháng 10/1941, xưởng mang phong cách kiến trúc Art Deco này là nhà máy lắp ráp ôtô đầu tiên của Ford tại Đông Nam Á. Trước đây, nơi này được tận dụng làm khu vực lắp ráp máy bay chiến đấu trong suốt Chiến dịch Malaysia. Đây cũng là nơi quân đội Anh đầu hàng trước quân đội Hoàng gia Nhật Bản.
Nhà máy đã được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Singapore (National Archives of Singapore) khôi phục lại. Đây hiện là nơi tổ chức triển lãm thường trực về Thế chiến II. Khách tham quan có thể tự do tìm hiểu về các sự kiện lịch sử quan trọng, để lại dấu ấn sâu sắc, hoặc hòa mình vào những ký ức xưa cũ trong quá khứ, xoay quanh các bối cảnh quan trọng như: sự đầu hàng của quân Anh, cuộc chiếm đóng của quân Nhật, và các di sản của chiến tranh. Địa điểm mở cửa từ 9h-17h30, thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, đóng cửa vào thứ Hai. Trừ mồng một Tết Nguyên đán, các ngày lễ còn lại mở cửa bình thường.
Nhà máy Ford cũ từng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đảo quốc sư tử.
Ngoài những điểm đến được giữ nguyên dáng vẻ như xưa, bảo tồn sự nguyên bản của lịch sử, Singapore còn hút du khách bởi những sự kết hợp độc đáo giữa "xưa và nay". Đơn cử như Lau Pa Sat, khu chợ truyền thống đầu tiên của đảo quốc, ra đời từ hơn 150 năm trước vào thời Stamford Raffles - người khai lập đất nước Singapore. Từ năm 1973, nơi đây đã được công bố là di tích quốc gia.
Ngày nay, thiên đường ẩm thực Lau Pa Sat x Food Folks là nơi mang đến trải nghiệm mua sắm, giải trí thú vị, độc đáo cho du khách và mở cửa suốt 24/7. Khu vực này mới được tích hợp vào không gian khu "chợ cũ" Lau Pa Sat, mang lại dáng vẻ mới mẻ, hiện đại pha lẫn chút hoài cổ của khu di sản lịch sử. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các đặc sản, thưởng thức những món ăn quen thuộc lẫn mới mẻ.
Hiện Lau Pa Sat là một trong những thiên đường ẩm thực nổi tiếng nhất khu Kopitiam. Du khách có thể ngồi trong tòa nhà lịch sử hình bát giác với kết cấu bằng gang, thưởng thức các món ngon mang hương vị bản địa và quốc tế từ 80 quầy ẩm thực khác nhau. Một số quán ăn được du khách quốc tế yêu thích, gợi ý nên thử một lần khi ghé khu "chợ cũ" này như món cơm dùng kèm các loại rau và nước sốt làm từ lá trà tại Thunder Tea Rice; món mì tại quán Qiu Lian Ban Mian; hoặc hương vị mì ramen trứ danh của Ramen Ginza...
Không gian ăn uống bên trong khu chợ cũ Lau Pa Sat ngày nay.
Năm 1927, sau sự cố khiến vợ của doanh nhân Eu Tong Sen không được phép vào một nhà hát, ông đã xây dựng The Majestic thành nơi trình diễn các vở kinh kịch Quảng Đông cho vợ mình thoải mái thưởng thức bộ môn nghệ thuật này. Nơi đây từng tồn tại qua thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Khi đó, nhà hát được sử dụng để chiếu các bộ phim tuyên truyền của Nhật. The Majestic cũng từng được hãng phim Thiệu thị Huynh đệ (Shaw Brothers) thuê lại để chiếu các bộ phim Quảng Đông. Sau Thế chiến II, nhà hát thậm chí còn thu hút các ngôi sao điện ảnh và một doanh nhân phim ảnh đầu tư vào những năm 1950-1960.
Nhà hát The Majestic Theatre ngày nay.
Từ năm 2003, The Majestic đã trở thành trung tâm mua sắm và mở cửa đón công chúng đến trải nghiệm bầu không khí lịch sử trong thời kỳ hiện đại. Khu vực này hoạt động từ 10h-22h mỗi ngày.
Nội dung: Thy An - Thiết kế: Duc Tran