Sông Seine dài hơn 770km chảy qua nhiều khu vực hành chính của Pháp, nổi tiếng nhất là đoạn chảy qua thành phố Paris với hàng chục cây cầu bắc ngang. Tới đây, du khách có cơ hội lên thuyền đi dọc sông ngắm cảnh. Hai bên bờ sông Seine trong thành phố Paris nhìn từ du thuyền. Dòng sông này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1991.
Đại lộ Champs-Elysees, con đường kéo dài 2km từ quảng trường Concorde đến quảng trường Charled de Gaulle, nơi có công trình Khải Hoàn Môn nổi tiếng. Vỉa hè tại đại lộ Champs-Elysees, nơi tập trung nhiều thương hiệu thời trang đẳng cấp thế giới. Tháp Eiffel nhìn từ dưới chân, công trình kiến trúc này được làm bằng thép, đặt tại công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine. Dưới chân tháp, người dân và du khách thường xuyên dạo chơi, lăn lê bò toài tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ mỗi ngày.
Ước tính có khoảng 7 triệu du khách tham quan tháp Eiffel mỗi năm, 75% trong số này là du khách nước ngoài. Cũng như các quốc gia khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-10, lượng khách du lịch tới Pháp sụt giảm mạnh khiến doanh thu từ ngành này giảm khoảng 50% trong năm 2020. Trong ảnh, du khách thi nhau chụp ảnh tại Kim tự tháp kính phát sáng ở bảo tàng Louvre. Theo IMF, năm 2020 Pháp nằm trong top 20 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với 39.257 USD/người. Trong ảnh, một cặp cô dâu chú rể chụp ảnh cưới ở trung tâm Paris. Tuy nhiên, gần 1 thập kỷ trở lại đây, Paris nổi tiếng với tệ nạn lừa đảo, cướp giật và móc túi khách du lịch. Phần lớn thủ phạm là những băng đảng thuộc cộng đồng người Rom (du mục) đến từ hai nước Bulgari và Rumania. Dạo quanh thành phố, dễ nhận thấy Pháp có kiến trúc Gothic nổi tiếng. Riêng đối với Paris, xen lẫn với lối kiến trúc chung của nước Pháp lại có cả những chi tiết đặc trưng nếu không tinh mắt khó có thể nhận ra. Trong một tòa nhà theo kiến trúc Haussmann, những cửa hiệu buôn bán luôn nằm dưới tầng 1, tầng 2 là nhà kho của cửa hiệu và đôi khi cũng là nơi ở của chủ. Tầng 3 là khu vực dành riêng cho những gia đình khá giả với ban công nối liền và không gian rộng rãi. Tầng 4 và 5 là nơi ở của những gia đình trung bình. Những gia đình có điều kiện thấp nhất sinh sống tại tầng 6.
Nhiều tuyến đường nhỏ được thành phố cho phép khai thác điểm đỗ ôtô ngăn nắp. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/9 năm nay, tại Paris phí đỗ xe với xe máy động cơ xăng là 3 euro/h (khoảng 70.000 đồng) ở trung tâm Paris và 2 euro/h (46.000 đồng) ở các quận ngoại thành. Tuy nhiên, người đi xe máy có thể mua thẻ đỗ xe nguyên năm với mức giá chỉ 22,5 euro (khoảng 520.000 đồng), tương đương 0,75 euro/ngày (18.000 đồng) để được hưởng mức phí thường niên dễ chịu hơn. Các phương tiện công cộng khá đa dạng từ xe bus, tàu điện ngầm cho tới taxi. Mặc dù vậy, chi phí đi lại ở đây khá đắt đỏ so với ở nhiều quốc gia khác.
Những tấm biển chỉ dẫn giao thông ở trung tâm thủ đô Paris dùng nền đen, chữ trắng và sử dụng ngôn ngữ là tiếng bản địa. Thủ đô Paris có hơn 2,2 triệu dân nhưng mỗi năm đón tới 30 triệu khách du lịch. Mỗi ngày 3.000 tấn rác thải được xả ra. Để đảm bảo vệ sinh cho 20 quận nội thành, đặc biệt tại các khu du lịch đông khách, chính quyền Paris phải huy động tới 4.800 nhân viên vệ sinh, chia thành 100 đội, thu gom số rác thải khổng lồ trên và lau rửa đường phố.
Quầy bán đồ lưu niệm. Để mua quà về tặng người thân, du khách có thể chọn những chiếc móc khóa, dán tủ lạnh, tranh ảnh, giá mỗi loại từ 3 euro trở lên. Vỉa hè chính là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, buôn bán thú vị nhất của nhiều người ở Paris. Nếu không có các quán cà phê và quán ăn, hàng rong trên vỉa hè, thủ đô nước Pháp hẳn sẽ mất đi một phần hấp dẫn của mình. Một nhà hàng Nhật Bản tại Paris dựng menu quảng cáo trên vỉa hè, áp sát cửa. Hầm bộ hành ở các ngã tư lớn trên đường phố Paris. Theo thống kê, trong nhiều năm gần đây, Pháp là quốc gia được nhiều du khách ghé thăm nhất thế giới. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này đã đón khoảng 90 triệu du khách quốc tế vào năm 2019, riêng ngành du lịch chiếm 8% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước. Nam Khánh