Anh Thắng ấn tượng với những con đường làng, biển trời phẳng lặng, những nhà thờ cổ và lòng hiếu khách của người dân Nam Định.
Trong chuyến công tác tháng 9, anh Huỳnh Quyết Thắng, TP HCM, đã kết hợp trở lại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vì những cảnh đẹp như cổ tích nơi đây. Chuyến đi 2 ngày hơn 2 triệu đồng một người.
Từ Hà Nội, anh Thắng cùng hai người bạn đặt ôtô riêng đến Nam Định, có mang theo xe đạp địa hình. Mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi đến Hải Hậu, cách thành phố Nam Định khoảng 35 km về phía đông nam, và cách trung tâm Hà Nội khoảng 135 km. Hải Hậu là một huyện có dân số 260.000 người, với 80% theo Công Giáo. Nơi đây có nhiều nhà thờ đẹp, được xây dựng tỉ mỉ, mang sắc thái cổ kính của kiến trúc Gothic.
Cầu ngói Hải Anh bắc qua sông Trung Giang, một trong những cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam hiện nay.
Xuất phát từ 7h, thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng. Trên đường đến Hải Hậu, anh dừng ở làng Cổ Lễ.
Từ chùa Cổ Lễ gần 1.000 năm tuổi, có từ thời Lý - Trần, cả ba đạp xe xuôi theo đường làng, ghé thăm làng dệt Phương Định ngay khi người dân đang kéo tơ dệt sợi hay phơi tơ tằm, tiếp đó là nhà thờ Bùi Chu, nhưng rất tiếc nơi này đang trong quá trình tu bổ. Anh Thắng ấn tượng khi dừng chân trước vương cung thánh đường Phú Nhai, một nhà thờ Công giáo Roma thuộc Giáo phận Bùi Chu. Nhà thờ nằm ở trung tâm của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Xuân Trường hơn 1 km.
Trên cung đường đạp xe, không chỉ anh Thắng mà hai người bạn đều trầm trồ trước vẻ đẹp tự nhiên của các cánh đồng lúa, dòng sông, kênh rạch vào lúc hoàng hôn. Chuyến đi kết thúc ở homestay Hải Hậu Eco Host với món phở Nam Định.
Thánh đường Vinh Sơn.
Ngày hôm sau, cả ba lên đường từ 4h sáng. Thời tiết không thuận lợi vì có mưa, nhưng họ đều háo hức vì sẽ đi thăm nhà thờ đổ Hải Lý, cách homestay tầm 15 km. Họ tới nhà thờ lúc 5h30 khi trời còn tối. Sau cơn mưa không quá to, cảnh vật hiện ra huyền ảo, làm cả ba cứ đứng ngắm nghía và chụp hình. Theo anh Thắng, thời điểm đẹp nhất ở nhà thờ đổ Hải Lý là bình minh.
Từ nhà thờ đổ, cách đó không xa là một khu chợ nhỏ và các điểm đến ấn tượng khác là nhà thờ Trại Đáy, nhà thờ Vinh Sơn, nhà thờ giáo họ Phú An, nhà thờ xứ Tân Bồi, nhà thờ giáo xứ đền thánh Hưng Nghĩa...
Trên đường về Hà Nội, họ dừng chân dùng món phở Giao Cù mà theo anh Thắng nhận xét là rất ngon, giá 45.000 đồng một bát.
Thánh đường Vinh Sơn thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu và nhà thờ giáo họ Phú An, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường là hai điểm ngẫu hứng trong hành trình của anh Thắng.
Chuyến đi kết thúc nhưng anh Thắng cùng bạn vẫn ấn tượng với vẻ đẹp của những con đường làng, biển trời phẳng lặng, những nhà thờ cổ kính và lòng hiếu khách của người dân Nam Định khi xem lại những hình ảnh được chụp lại.
Thanh Thu Ảnh: NVCC