Kết thúc phiên giao dịch 19/12 (rạng sáng 20/12 giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng theo tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 9 phiên liền, trong khi S&P 500 gần lập kỷ lục mới.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,67% và lần đầu tiên vượt mốc 15.000 điểm kể từ tháng 1/2022.
Nhóm cổ phiếu năng lượng Mỹ tăng khá mạnh với kỳ vọng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ thoát khỏi nguy cơ suy thoái với những tín hiệu mới nhất của Fed.
Trong cuộc họp hôm 12-13/12, Fed phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024, chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài từ tháng 3/2022. Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 11 lần, với tổng mức tăng 525 điểm, đưa lãi suất điều hành của Mỹ từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên đỉnh 22 năm ở mức: 5,25-5,5%/năm.
Không chỉ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng phát tín hiệu sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ.
Theo Ngân hàng Bank of America, thế giới sẽ có 152 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Các ngân hàng trung ương trên thế giới sắp đồng loạt chuyển sang bơm tiền để thúc đẩy nền kinh tế vốn èo uột trong suốt cả năm 2023. Việc kiềm chế lạm phát tạm thời đã có những kết quả nhất định.
Việc Fed ngừng tăng lãi suất trong 3 cuộc họp gần đây và sắp chuyển sang giảm lãi suất cùng với những tín hiệu tương tự từ nhiều nước… là một tín hiệu tích cực cho kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
USD hạ nhiệt khiến giá vàng thế giới đêm qua tăng mạnh. Sáng 20/12 giá vàng miếng SJC trong nước lập đỉnh cao mới, 75,3 triệu đồng/lượng.
Sự hồi phục của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, vốn khá ì ạch trong cả năm qua.
Giá vàng thế giới và chứng khoán Mỹ liên tục tăng giá. (Ảnh: TG)
USD hạ nhiệt giúp tỷ giá USD/VND ổn định hơn, qua đó đẩy dòng tiền trở lại các thị trường mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam vẫn rất tích cực trong năm khó khăn 2023, trong khi dòng vốn gián tiếp (FII) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong năm sau.
Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy điều ngược lại. Dòng vốn ngoại vẫn rút mạnh ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam và cổ phiếu chịu áp lực bán ra thời điểm cuối năm.
Gần đây, chỉ số VN-Index lại thủng mốc 1.100 điểm lần thứ 7 trong năm 2023. Đây cũng là mức điểm mà VN-Index đã lập được cách đây 16 năm.
Các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) tiếp tục bán ròng rất mạnh, lên tới gần tỷ USD trong năm 2023.
Trong phiên 19/12, khối ngoại xả cổ phiếu Việt phiên thứ 15 liên tiếp, với mức bán ròng hơn 450 tỷ đồng.
Điều gì đang xảy ra với chứng khoán Việt?
Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại bán ròng gần 20.000 tỷ đồng, vượt qua cả mức bán ròng 15.740 tỷ đồng trong cả năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở đa số các mã cổ phiếu đang nắm giữ, kể cả những cổ phiếu lâu nay được ưa chuộng như Thế Giới Di Động (MWG), Vinhomes (VHM)…
Trên thực tế, khối ngoại không chỉ bán ròng cổ phiếu Việt mà còn bán mạnh trên khắp thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Đây là một hiện tượng khá bất thường khi mà tỷ giá USD/VND đã ổn định khoảng 2 tháng qua, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng khá cao, lạm phát được duy trì dưới mục tiêu. Triển vọng kinh tế sáng sủa với xuất khẩu tăng trở lại, vốn FDI rất mạnh.
Việt Nam trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư Mỹ, Nhật, Hàn, Trung… nhờ độ mở kinh tế cao, có nhiều hiệp định thương mại tự do FTA. Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ và Việt - Nhật lên đối tác chiến lược toàn diện hay những hợp tác ngày càng mạnh mẽ với Trung Quốc… góp phần giúp giới đầu tư quốc tế đã và đang tìm đến Việt Nam.
Trái ngược với những tín hiệu tích cực, dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi các nước Đông Nam Á và đổ vào một số thị trường như Ấn Độ hay Đài Loan (Trung Quốc) trong cả năm 2023.
Trên thực tế, việc bán ròng của khối ngoại được một số chuyên gia chứng khoán cho là do hoạt động chốt lời sau khi chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong 3 quý đầu năm. Các tổ chức có thể hiện thực hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế trong khu vực còn tiềm ẩn khó khăn trong năm 2024 do ảnh hưởng của lãi suất cao trước đó và áp lực trả nợ trong năm tới vẫn còn rất lớn, trong khi sức cầu nền kinh tế trong khu vực còn thấp. Việc thận trọng trong đầu tư là điều luôn được ưu tiên.
Chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường cận biên (frontier) do vậy khó để các quỹ sẽ giải ngân thêm. Bên cạnh đó, hàng hóa trên thị trường có thể chưa phù hợp với khối ngoại.
Một số doanh nghiệp có lợi nhuận cao và kinh doanh ổn định thì giá cổ phiếu đều đã cao hoặc đã được các nhà đầu tư chiến lược nắm lâu dài như FPT, Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Hóa chất Đức Giang (DGC), Nhựa Bình Minh (BMC), Nhựa Tiền Phong (NTP), một số công ty dược…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, tài chính… trong khi đó lộ ra nhiều rủi ro.
Hiện tại, giới đầu tư có xu hướng thận trọng vào thời điểm cuối năm 2023 và chờ điểm cân bằng hơn cũng như những tín hiệu vĩ mô trong nước và thế giới rõ ràng hơn.
Dù vậy, trên TTCK cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn từ khối ngoại. Qũy Fubon ETF gần đây bất ngờ mua ròng nhiều phiên liên tiếp, tập trung vào một số mã chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.
Trong năm 2024, nhiều đánh giá cho rằng, TTCK có thể tăng trưởng tốt nhờ triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực và lãi suất thấp hơn trong năm mới. Chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục là nhân tố tích cực hỗ trợ chính của thị trường chứng khoán 2024.
Chứng khoán VCBS cho rằng chứng khoán trong trung hạn sẽ phân hóa giữa các doanh nghiệp đầu ngành với triển vọng kinh doanh ổn định và sức chịu đựng tốt hơn so với phần còn lại trong ngành đó. Về dài hạn, thị trường sẽ tích cực vì Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng kinh tế hậu Covid và đang hút FDI mạnh mẽ. VCBS kỳ vọng VN-Index đạt cao nhất ở mức 1.300 điểm trong năm 2024.