Chưa có mỏ cát nào đi vào hoạt động, cát tại Quảng Ngãi khan hiếm, giá leo thang, cát tặc hoành hành, chính quyền phải dùng trụ bê tông chặn lối đi của cát lậu - Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 4-7, một doanh nghiệp xây dựng tại Quảng Ngãi cho biết đang thi công cầm chừng bởi giá cát xây dựng quá cao và không có nguồn mua.
"Từ đầu năm đến giờ, để có cát thi công chúng tôi mua cát với giá gấp đôi so với giá dự toán", lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Thiếu nên phải mua cát trôi nổi Cũng "kêu trời" với tình trạng khan hiếm cát và giá cao ngất ngưởng, nhiều doanh nghiệp xây dựng khác cho biết giá cát xây dựng trong dự toán chỉ 120.000 - 180.000 đồng/m3 , nhưng giá cát thực tế ngoài thị trường đã lên tới 230.000 - 450.000 đồng/m3 .
Hiện Quảng Ngãi chỉ còn duy nhất một mỏ cát thương mại hoạt động, nhưng khối lượng còn lại của mỏ rất nhỏ, chỉ cung ứng cầm chừng cho một số công trình vừa và nhỏ. Đó là chưa kể người dân mua cát xây nhà cửa, công trình.
Một doanh nghiệp than có thời điểm phải mua cát giá cao trôi nổi ngoài thị trường, không có hóa đơn để có cát thi công.
Điểm tập kết cát lậu tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi thời gian qua hoạt động rầm rộ, các ban ngành phải liên tục xử lý - Ảnh: TRẦN MAI
"Mua vậy là sai và cầm chắc lỗ, nhưng không mua chẳng có cát làm, chậm tiến độ, chậm luôn giải ngân còn lỗ nặng hơn", vị này nói.
Trong khi cung - cầu mất cân đối, khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ trên sông Trà Khúc trong thời gian dài. Chính quyền phải dùng trụ bê tông bịt đường đi để chặn cát tặc.
Cuối năm 2022, đầu 2023, Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 12 mỏ cát trữ lượng dự báo khoảng 6 triệu m3 , nhưng đến nay chưa có mỏ nào được cấp quyền khai thác. Trong đó, có 2 doanh nghiệp đã trả mỏ cát cho tỉnh.
Vì thế, UBND tỉnh Quảng Ngãi liên tục họp, chỉ đạo khẩn trương đưa mỏ cát trúng đấu giá vào khai thác.
Một doanh nghiệp xây dựng cho biết giá dự toán khác xa giá thị trường, đã vậy còn khan hiếm, đơn vị phải mua cát không hóa đơn để thi công - Ảnh: TRẦN MAI
Không để khan hiếm, giá cát leo thang Ông Nguyễn Đức Trung, quyền giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo quy trình cấp phép khai thác phải mất hơn 400 ngày. Dù sở đã cắt giảm tối đa thời gian làm thủ tục nhưng vẫn chậm.
"Đấu giá theo trữ lượng dự báo, sở phụ thuộc vào doanh nghiệp trúng đấu giá. Có doanh nghiệp chậm hoàn thành thủ tục; có doanh nghiệp thiết tha làm mà vướng thủ tục gỡ mãi chưa xong", ông Trung nói.
Dự kiến trong tháng 7, mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng và mỏ Vạn Xuân sẽ cấp quyền khai thác.
Dự kiến mỏ cát Vạn Xuân, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành sẽ khai thác trong tháng 7 này - Ảnh: TRẦN MAI
Theo ông Trung, các mỏ cát hoạt động chỉ giải quyết khan hiếm, còn giá rất khó giảm bởi trong đợt đấu giá vừa qua, doanh nghiệp trúng đấu giá ở mức cao chưa từng có. Có mỏ cát lên đến gần 400.000 đồng/m3 .
Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói nhiều doanh nghiệp than phiền vì giá cát chênh lệch rất lớn giữa dự toán và thị trường. Để xảy ra là do quản lý nhà nước lĩnh vực này chưa tốt, làm ảnh hưởng đến điều hành của tỉnh, ảnh hưởng tiến độ công trình.
"UBND tỉnh giao Công an tỉnh và các sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Giá cả phải được quản lý chặt chẽ, thống nhất. Tuyệt đối không để xảy ra khan hiếm, đẩy giá vật liệu xây dựng lên cao như những tháng đầu năm", ông Minh nói.