Hai đoàn du khách Việt Nam gồm 150 người bay từ TP Hồ Chí Minh và 120 người bay từ Hà Nội (theo dạng thuê bao chuyến – charter flight) do 2 công ty du lịch tổ chức là một trong những nhóm du khách quốc tế đầu tiên đến Bhutan khi nước này mở cửa.
Đoàn chúng tôi bay thẳng 3 tiếng từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Paro ở thị trấn Paro. Đây là sân bay duy nhất kết nối Bhutan và thế giới và là một trong những sân bay khó hạ cánh nhất trên thế giới do nằm trong thung lũng xung quanh là các ngọn núi cao, gió mạnh và đường băng ngắn. Theo Forbes, đến tháng 11/2018, chỉ có 17 phi công được cấp chứng chỉ thực hiện những màn cất và hạ cánh nghẹt thở ở sân bay Paro.
Những ấn tượng tuyệt vời đầu tiên
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới Bhutan là quốc gia nhỏ bé này rất xanh, sạch và thanh bình. Người dân ở đây hiền lành, hiếu khách, thật thà và rất kỷ luật.
Các nhà sư trẻ đón đoàn du khách Việt Nam đến thăm một tu viện cổ ở Paro. Bên cạnh trường học, các tu viện cũng là nơi cung cấp giáo dục cho người dân Ông Tashering Tashi, Giám đốc Công ty Du lịch Jojos Adventure Bhutan, cho biết, phần lớn người dân Bhutan theo đạo Phật và họ tin vào luật nhân quả nên sống từ bi, nhân ái và làm những việc tốt cho người khác. Dù không có lệnh cấm nhưng những năm gần đây, đa phần người dân Bhutan không sát sinh. Thay vào đó họ nhập khẩu thịt và cá từ Ấn Độ.
Đất nước Bhutan sạch sẽ và xanh là nhờ ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Dù du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 ngàn người nhưng Bhutan cũng lo ngại du lịch sẽ tác động xấu cảnh quan, môi trường và văn hóa địa phương nên họ hướng tới các khách du lịch trung và cao cấp.
Từ khi mở cửa, Bhutan đã áp dụng chính sách du lịch mới đó là tăng phí Phát triển bền vững từ 65 đô/đêm lên 200 đô/đêm với mỗi du khách khi vào đất nước nhằm mục đích bảo tồn thiên nhiên và môi trường.
Quốc gia kỳ bí nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ được bao bọc bởi các ngọn núi cao trong đó có 20 ngọn núi cao hơn 7000 m hàng năm đón khoảng 300 ngàn khách du lịch quốc tế (số liệu 2019), trong đó có 200 ngàn khách đến từ các nước châu Á.
Sức hấp dẫn của 'Đất nước hạnh phúc nhất thế giới'
Bhutan có dân số khoảng 800 ngàn người. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, thủy điện (bán cho Ấn Độ) và du lịch. Ở đây, các vị vua và lãnh đạo đất nước chú trọng cân bằng phát triển kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và văn hóa. Chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNH) rất được chú trọng và đây là cách họ theo dõi mức độ hài lòng của dân chúng với cuộc sống. Toàn bộ chi phí y tế và giáo dục được miễn phí. Hiến pháp nước này quy định phải duy trì 60% lãnh thổ là rừng.
Theo các đơn vị tổ chức tour từ Việt Nam, Bhutan là một thị trường du lịch dành cho nhóm khách hàng tín ngưỡng và khách đã đi nhiều nơi trên thế giới và muốn trải nghiệm đất nước thanh bình và hạnh phúc nhất trên thế giới, khách bình thường sẽ khó lòng bỏ ra một khoản tiền lớn (hơn 60 triệu cho chuyến đi 5 ngày 4 đêm) như vậy.
Dù được ngợi ca là một đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, một quan chức du lịch Bhutan đón đoàn chúng tôi tại sân bay cho biết, họ thấy các nước bắc Âu như Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy và Thuỵ Sỹ mới là những đất nước hạnh phúc và giầu có nhất trên thế giới, Bhutan vẫn còn nghèo và rất muốn học được cách phát triển kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam.
Các cung trek qua những cánh rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch mạo hiểm đến Bhutan. Du lịch đã được mở toang nhưng ở các điểm du lịch nổi tiếng nhất số lượng du khách nước ngoài chưa nhiều. Tại Paro, chúng tôi gặp 2 đoàn du khách khoảng 20 người đến từ châu Âu và Mỹ. Anh Tom người Mỹ cho biết đoàn anh có 12 người đi du lịch Bhutan 12 ngày. Bên cạnh thăm các danh lam thắng cảnh, nhóm anh còn đi trek trong rừng vì các cung leo ở Bhutan cũng rất đẹp.
Theo chị Phạm Dung sinh sống ở Hà Nội, dù chi phí cho chuyến đi Bhutan khá cao, tương đương một chuyến đi du lịch châu Âu nhưng chị và những người bạn vẫn đi Bhutan vì ngoài mục đích ngắm cảnh ở đất nước thanh bình và hạnh phúc nhất thế giới, đây còn là chuyến đi lễ và hành hương về đất Phật.
Hang Hổ - Tiger’s Nest nằm chênh vênh trên vách đá cao 900m 'Nơi những lời cầu nguyện được nghe thấu'
Những điểm tham quan và tu viện linh thiêng và nổi tiếng nhất mà du khách và những tín đồ Phật giáo thường đến nằm ở 3 địa điểm chính là thị trấn Paro, thủ đô Thimphu và cố đô Punakha.
Tu viện phật giáo nổi tiếng nhất của Bhutan mà du khách nào cũng đến là Tiger’s Nest, một tu viện cổ nằm cheo leo trên vách đá cao 900m, ngay trên miệng thung lũng Paro (cách khoảng 900m so với đáy thung lũng), chênh vênh trên độ cao 3.108m so với mực nước biển.
Theo anh Nima Yoezer, hướng dẫn viên du lịch người Bhutan, mỗi người dân Bhutan đều hành hương đến tu viện linh thiêng được xây lần đầu năm 1692 ít nhất một lần trong đời. Người ta tin rằng mọi lời cầu nguyện ở đây sẽ được nghe thấu và trở thành hiện thực. Những ai lên đây có được sức mạnh thể chất và tinh thần để vượt qua những gian nan thử thách ở phía trước cuộc đời.
Một góc thị trấn Paro. Bhutan được bao bọc bởi các ngọn núi cao trong đó có ngọn cao nhất cao 7.553 m. Nhà cửa ở Bhutan thường xây thấp nhằm tránh hậu quả của động đất. Paro Dzong tại thị trấn Paro, xây dựng vào năm 1646 Tác giả cùng nghệ sỹ Thanh Lam trên đèo Dochula, một điểm đến nổi tiếng ở Bhutan. Từ đây có thể ngắm được dãy núi Himalaya ở phía xa. Do nằm các thành phố đều nằm trên các triền núi nên giao thông đi lại trong và giữa các thành phố không thuận tiện. Bên cạnh đó, các con đường còn nhỏ và quanh co. Phải mất hơn 2 tiếng để chúng tôi di chuyển bằng ô tô từ sân bay quốc tế Paro tới thủ đô Thimphu cho quãng đường 65 km do đường nhỏ 2 làn xe và không có dải phân cách cứng.
Tu viện Taschicho Dzong nằm bên bờ sông Wang Chu ở thủ đô Thimphu là một trong những nơi được du khách tham quan nhiều nhất. Đây cũng là nơi làm việc của Quốc vương Bhutan và một số bộ ngành. Lễ hội Tshechu tại Taschicho Dzong ở thủ đô Thimphu Tshechu là một trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan được tổ chức hàng năm ở nhiều ngôi chùa, tu viện để bày tỏ sự tôn kính tới tạo sư Guru Rinpoche, người đã mang đạo Phật vào Bhutan vào thế kỷ thứ 8. Người dân tin rằng đây là dịp để mọi người giao lưu, giải trí, nhận phước lành và rửa sạch tội lỗi. Trong lễ hội này, người ta sẽ khoác lên mình những trang phục truyền thống lộng lẫy múa Cham – điệu nhảy truyền thống của Bhutan. Họ thường đeo mặt nạ gỗ hình động vật và các vị thần và diễn lại các truyền thuyết lịch sử của dân tộc. Tu viện Punakha (Punakha Dzong) ở thành phố Punakha, thủ đô cũ của Bhutan cho đến năm 1955, là một trong những tu viện lâu đờivà linh thiêng bậc nhất Bhutan Bên trong sân của Punakha Dzong Đường phố ở thủ đô Thimphu. Đây là thủ đô duy nhất trên thế giới không có hệ thống đèn giao thông. Thị trấn Paro Thời gian đẹp nhất để đến thăm Bhutan là từ tháng 3 đến tháng 11. Mùa đông gần như cả vương quốc Bhutan chìm trong băng tuyết.
Nguyễn Đức Hùng